Viết bởi Út Quyên cho Hanoi Grapevine
Vui lòng không sao chép hoặc đăng tải lại khi chưa có sự cho phép của tác giả và Hanoi Grapevine
Triển lãm điêu khắc “Tiếng Vọng” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (đến ngày 15/04) đánh dấu một giai đoạn sáng tác mới của Trần Văn An khi anh chuyển sự chú ý của mình sang việc xử lý tạo hình trên mặt phẳng hai chiều của tấm kim loại, đào sâu vào cảm xúc nội tâm và chạm đến những vấn đề lịch sử.
Nhiều người yêu điêu khắc đã quen thuộc với Trần Văn An qua loạt tác phẩm Mùa hoa có thể sẽ bất ngờ khi đến với triển lãm “Tiếng Vọng” của anh. Không còn nữa một Trần Văn An duy mỹ với những tác phẩm bằng nhôm và sắt đúc nguyên khối với họa tiết bề mặt xử lý bằng que hàn, lấy cảm hứng tạo hình từ các hình thể thiên nhiên. Loạt tác phẩm trong triển lãm “Tiếng Vọng” cho thấy một tâm hồn duy cảm của người nghệ sĩ trong nỗ lực tìm kiếm đối thoại giữa cảm xúc nội tại với chính chất liệu mà anh đang làm việc. “Tôi rất có cảm xúc với kim loại, đặc biệt là sắt, bởi sự mạnh mẽ và lì lợm của chất liệu. Nó luôn tạo cho tôi sự say mê như thể mình thuộc về nó và nó thuộc về mình,” Trần Văn An nói.
Toàn bộ các tác phẩm trong triển lãm là những đáp án của nghệ sĩ trong việc đi tìm những giải pháp xử lý khác nhau trên bề mặt kim loại phẳng. Có những tác phẩm sử dụng mặt phẳng tối giản, có tác phẩm lại sử dụng kỹ thuật gò và nhiệt để xử lý độ cong của bề mặt. Các khối chấm tròn được tạo bởi kỹ thuật hàn chính là điểm kết nối mạch cảm xúc và đề tài xuyên suốt toàn bộ triển lãm. Tùy theo thời gian hàn, các khối tròn to nhỏ, nông sâu được tạo ra với mật độ khác nhau sẽ đem đến những hiệu quả thị giác khác nhau: mạnh mẽ và mềm mại, gần gũi mà khác lạ.
Các phẩm trong triển lãm “Tiếng Vọng” được chia làm hai mảng rõ ràng: tượng tròn và phù điêu, với ngôn ngữ tạo hình thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn khác biệt. Ở hai tác phẩm tượng tròn Những ô cửa và Vượt thoát, bề mặt khối được xử lý theo các mảng hình học tối giản, khúc triết, mạnh mẽ, cho thấy sự tương tác vô cùng lớn trên chất liệu trong quá trình chế tác tác phẩm. Lấy cảm hứng từ mảnh áo giáp thời cổ đại, tác phẩm Những ô cửa được tạo hình bằng những khối phẳng, mạnh mẽ với các ô cửa vươn ra trên bề mặt giống như những cánh tay dũng mãnh của người chiến binh Đại Việt. Trong khi tác phẩm Vượt thoát được tạo hình như một mũi tên khổng lồ với đầu tên tách ra khỏi phần thân như muốn thoát ra ngoài để đi tìm một mục tiêu riêng. Hình dáng thon dài, diện tích tiếp xúc với mặt đất rất nhỏ của tác phẩm cho thấy sự kỳ công trong việc tính toán, chính xác trong việc gia công để giữ cho bức tượng có thể đứng vững trên mặt đất.
Trong khi đó, 22 tác phẩm phù điêu mang tên Mảnh ghép treo trên tường lại có cách xử lý bề mặt phức tạp, gợi nhắc đến phong cách điểm họa của hội họa ấn tượng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Chiếc que hàn được nhà điêu khắc điều khiển không khác mấy so với các họa sĩ cầm cọ vẽ tranh. Các khối chấm tròn bao phủ bề mặt tác phẩm tạo một cảm giác mềm mại, hài hòa. Nếu nhìn từ xa và thật lâu vào từng tác phẩm, đôi khi ta quên mất cảm giác lạnh lẽo, nặng nề của chất liệu kim loại, thay vào đó là một cảm xúc vừa xôn xao, vui nhộn, lại vừa mềm mại, mát lành như đứng trước một cơn mưa mùa hạ.
Màu sắc cũng được nghệ sĩ quan tâm để tạo ra những cảm xúc khác nhau. Có những tác phẩm nghệ sĩ cố tình để lộ ra ra màu nguyên bản của chất liệu kim loại gây cảm giác về sự lạnh lùng, cứng cáp. Có những tác phẩm lại đưa thêm các màu xanh lam đậm, đỏ, đen tạo cảm giác vui tươi, sinh động. “Tôi cảm thấy chỉ có ba màu sắc này là hợp với màu tự thân của kim loại. Tất cả những màu sắc khác tôi đã thử nhưng đều không hợp với màu kim loại, chúng làm hỏng cảm giác về kim loại.”
Ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, dẫn dắt bởi cảm xúc từ những hiện vật kim loại trong bảo tàng lịch sử là nguồn cảm hứng chính cho nghệ sĩ tạo lên series tác phẩm này. “Từ những mũi tên đồng hay những mảnh giáp được in trong sách lịch sử, hay những hiện vật ở bảo tàng, ngay lần đầu tiên nhìn thấy, chúng đã gợi cho tôi những cảm giác đặc biệt. Chúng luôn khiến cho tôi thán phục về kỹ thuật chế tác kim loại điêu luyện của cha ông ta từ thuở xa xưa,” Trần Văn An chia sẻ thêm.
Làm quen với kỹ thuật hàn từ trước khi trở thành một sinh viên điêu khắc, Trần Văn An nắm rõ chất liệu kim loại như thể lắng nghe được tiếng nói của nó. Với anh, làm việc với kim loại không chỉ cần vững về kỹ thuật mà còn cần tình yêu, lòng say mê với nghề và am hiểu về chất liệu. Chẳng hạn cùng là kim loại, nhưng nhôm và đồng không đem đến cảm xúc mạnh mẽ như sắt. Với hai chất liệu này, phương pháp chế tác chính được sử dụng là đúc. Kỹ thuật đúc sẽ khiến tác phẩm cuối cùng không còn giữ được tính nguyên bản của mẫu ban đầu. Quá trình lên khuôn, đổ khuôn, làm nguội rồi gia công sẽ tạo ra sự sai lệch đáng kể. Bề mặt của khối đúc thường có xu hướng bo tròn, không còn rành mạch, khúc triết như các khối được tạo ra bằng cách cắt, hàn. Trong khi đó sắt và inox cho phép nghệ sĩ thoải mái, chủ động trong việc gia công, tạo hình, làm đến đâu xong đến đấy, không bị thay đổi, khối mạnh mẽ, dứt khoát. Ngoài ra chất liệu này rất sẵn có, dễ kiếm, có tính kết nối vững chắc, cho phép linh hoạt về kích thước.
Ra mắt năm 2010 bằng tác phẩm đầu tay, Cao tầng, tham gia triển lãm chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, và sau một loạt tác phẩm Lớp vỏ, Giãn nở, Dự án mới, Lớp bụi thời gian, Trần Văn An gây ấn tượng trong giới chuyên môn và những người yêu điêu khắc bởi ngôn ngữ tạo hình lý tính, khúc triết, tối giản. Series Mùa hoa được thực hiện trong thời gian 2015-2018 đánh dấu một giai đoạn sáng tác đầy tính duy mỹ của anh. Với triển lãm “Tiếng Vọng” lần này, Trần Văn An muốn kết thúc giai đoạn sáng tác cũ trên chất liệu nhôm và sắt đúc để chuyển sang một giai đoạn mới với những thử nghiệm trên chất kiệu kim loại tấm, khai thác sự tương tác giữa cảm xúc nội tâm với chất liệu, và chạm đến những vấn đề xã hội, lịch sử. Nhận xét về những thay đổi của anh, nhà điêu khắc Đào Châu Hải nói: “Làm nghệ sĩ là luôn phải tàn nhẫn với chính mình” – bởi trên con đường sáng tạo nhiều lúc người nghệ sĩ phải sẵn sàng chà đạp, vứt bỏi cái tôi cũ của bản thân để tiến lên.
(Tác phẩm được lưu giữ trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Một số hình ảnh triển lãm “Tiếng Vọng” do nghệ sĩ cung cấp:
Bài viết liên quan
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Về triển lãm của nghệ sĩ Trần Văn An